Gia đình ông Phạm Hồ Phong (ngụ xã Lê Trì) canh tác được hơn 1 ha đất, do khu vực ruộng cao nên những năm trước thường xuyên chịu cảnh “khát nước” sinh hoạt, tưới tiêu vào những tháng mùa khô. Gần đây, được sự khuyến khích của ngành nông nghiệp địa phương theo mô hình chuyển đổi cây trồng nên ông Phong quyết định đầu tư vốn đào ao trữ nước trong vườn cùng với hệ thống phun nước tự động.
“Ngay sau khi áp dụng mô hình tưới nước bằng máy phun tự động, tôi không còn phải lo thiếu hụt nguồn nước như trước nữa. Phần diện tích đất nằm dưới tán cây ăn trái cũng được tôi tận dụng trồng các loại rau màu, cây dược liệu khác để có thêm thu nhập. Trong trường hợp có xảy ra cháy rừng xung quanh thì tôi cũng có thể sử dụng nguồn nước có sẵn này để chữa cháy” – ông Phong chia sẻ.
Ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, cho biết toàn tỉnh có hơn 1.900 ha diện tích đất đang ứng dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước trên cây trồng cạn, như rau màu, cây ăn trái, dược liệu… tập trung chủ yếu ở các huyện Chợ Mới, Châu Phú, Châu Thành, Tịnh Biên, Tri Tôn… Đặc biệt, ứng dụng tưới tiết kiệm (tưới phun, tưới nhỏ giọt) trên đất vùng cao như gia đình ông Phong đã góp phần giữ độ ẩm trong đất, ở các khu vực ven chân núi, dưới tán rừng và giảm nguy cơ cháy rừng rất hiệu quả.
“Trong điều kiện biến đổi khí hậu với những tác động kèm theo là khô hạn, nắng nóng thì giải pháp tưới nước tiết kiệm là một trong những giải pháp khả thi nhằm sử dụng nguồn nước tưới hợp lý và hiệu quả trước tác động, ảnh hưởng của khô hạn. Những vùng khó khăn về nguồn nước tưới như khu vực vùng cao của 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đã thực hiện hiệu quả phương pháp này, rất cần được nhân rộng ra nhiều địa phương” – ông Khanh khẳng định.
Hiệu quả của những mô hình thuận thiên
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, trong vụ hè thu năm 2019, toàn huyện có khoảng 100 ha diện tích trồng mè cho năng suất cao. Dự kiến vụ hè thu năm nay, diện tích trồng mè được mở rộng.