Chu kỳ lột xác của tôm thẻ chân trắng

Tôm thẻ chân trắng cần đến sự lột xác để tăng kích thước và trọng lượng, điều này được lặp đi lặp lại trong suốt vòng đời của chúng. Chính vì thế, người nuôi luôn muốn kích thích tôm lột xác đồng loạt, nâng cao năng suất và chất lượng tôm khi thu hoạch. Bên cạnh đó, tôm lột xác đồng đều giúp tăng khả năng kháng lại vi khuẩn, virus gây bệnh…Bà con tham khảo chu kỳ lột xác của tôm thẻ chân trắng ở bài viết dưới đây.

Tại sao cần nắm rõ chu kỳ lột xác của tôm thẻ chân trắng?

Tất cả bà con nông dân nuôi tôm cũng đều sẽ mong muốn tôm khi thu hoạch sẽ đạt được kích thước, trọng lượng tốt nhất và từ đó tăng doanh thu mùa vụ. Để có được những điều này, bà con cần nắm rõ các yếu tố trong quá trình nuôi tôm, trong đó có chu kỳ lột xác của tôm, mục đích là để:

– Đưa ra được quyết định điều chỉnh lượng thức ăn theo từng giai đoạn chính xác hơn.

– Dễ dàng hơn trong việc kích thích tôm lột xác hàng loạt giúp chất lượng tôm đồng đều, tăng năng suất.

– Lột xác đều giúp tôm tăng khả năng kháng khuẩn và virus gây bệnh cho tôm

– Dễ dàng kiểm soát dịch bệnh.

Chu kỳ lột xác của tôm thẻ chân trắng

Chu kỳ lột xác của tôm thẻ chân trắng diễn ra như thế nào?

Tôm thẻ chân trắng sẽ lột xác nhiều lần trong suốt quá trình phát triển, từ lúc thả giống tới lúc thu hoạch. Cụ thể, các mốc trong chu kỳ lột xác của tôm thẻ chân trắng sẽ được tính theo ngày nuôi như sau:

– Từ 1 đến 15 ngày nuôi: Hằng ngày.

– Từ 15 đến 30 ngày nuôi: 2 – 3 ngày/lần.

– Từ 30 đến 45 ngày nuôi: 3 – 5 ngày/lần.

– Từ 45 đến 75 ngày nuôi: Hàng tuần.

– Từ 75 ngày nuôi đến 90 ngày nuôi: 10 ngày/lần.

– Từ 90 ngày nuôi trở lên: 2 tuần/lần.

Bà con có thể thấy được trong khoảng thời gian đầu mới thả giống (từ ngày 1 đến ngày 15) tôm sẽ lột xác nhiều lần và thời gian giữa mỗi lần tôm lột xác thường ngắn. Tuy nhiên, khi tôm lớn dần thì số lần lột xác của tôm cũng sẽ giảm dần và khoảng cách thời gian giữa mỗi lần lột xác cũng cách xa nhau hơn.

Tôm trải qua quá trình lột xác cũng đồng nghĩa với việc kích thước và trọng lượng của tôm sẽ tăng lên. Quá trình lột xác này làm cho lớp vỏ cũ giữa khớp đầu ngực và phần bụng sẽ nứt ra, tôm sẽ uống cong phần thân để đưa các phần phụ của đầu tôm ra trước, sau đó là phần bụng và các phần phụ phía sau. Năng suất của vụ nuôi tôm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động lột xác này của tôm.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chu kỳ lột xác của tôm thẻ

Trong nuôi tôm thẻ chân trắng, việc kích thích tôm lột xác đồng đều là điều người nuôi tôm mong muốn. Song, để làm được điều đó, người nuôi cần nắm vững các kiến thức về dinh dưỡng, môi trường, và nhất là vấn đề dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần hiểu rõ các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chu kỳ lột xác của tôm nuôi. Để tôm lột xác tốt, đồng đều, người nuôi cần phải quản lý tốt các yếu tố ảnh hưởng đến lột xác như dinh dưỡng, môi trường, dịch bệnh.

1. Yếu tố dinh dưỡng

Là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tôm khó lột xác. Tôm thiếu dinh dưỡng sẽ không đủ chất để làm đầy vỏ nên vỏ không nứt ra để lột xác. Để tôm lột xác tốt cần cho tôm ăn đủ lượng thức ăn có hàm lượng đạm tổng số 32 – 45%.

2. Quản lý thức ăn

Cho tôm ăn đủ lượng thức ăn, trong tháng nuôi đầu cho ăn 8 – 10% tổng trọng lượng đàn tôm nuôi, các tháng tiếp theo cho ăn với lượng 5 – 7%. Điều chỉnh thức ăn trong ngày qua theo dõi lượng thức ăn thừa trên sàng ăn. Chuyển đổi thức ăn phù hợp theo giai đoạn phát triển, cỡ miệng tôm và nhu cầu dinh dưỡng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi chuyển đổi thức ăn, nên trộn lẫn 2 loại thức ăn cũ và mới cho ăn ít nhất 3 ngày.

3. Bổ sung khoáng chất

Cung cấp đầy đủ chất khoáng cần thiết giúp tôm lột xác tốt hơn, đặc biệt với tôm thẻ chân trắng. Chủ động bổ sung một số chất cần thiết như Canxi, Phospho, men kích thích, Premix… để tôm có thể tái tạo lớp vỏ mới. Tôm nuôi thường lột xác vào ban đêm vì vậy nên bổ sung chất khoáng vào bữa ăn chiều cho tôm.

khoáng tạt calciphos blue

4. Môi trường nuôi

Môi trường nuôi không tốt ức chế các hoạt động, ảnh hưởng lớn đến quá trình lột xác của tôm. Vì vậy, cần chủ động điều tiết các thông số môi trường như: pH, độ kiềm, ôxy hòa tan, nhiệt độ… Bằng cách thực hiện cải tạo, xử lý môi trường nuôi, gây màu nước cho tốt, nuôi đúng thời vụ; Thả nuôi với mật độ vừa phải; Định kỳ thay nước để đảm bảo cho tôm phát triển và lột xác nhanh.

5. Do một số bệnh

Trong quá trình nuôi tôm bị mắc một số bệnh như nấm, đóng rong, tôm còi… cũng khiến cho tôm chậm lột vỏ hoặc không thể lột vỏ. Phòng bệnh bằng cách quản lý chất lượng nước ao tốt, ổn định tảo trong ao và luôn đảm bảo nhu cầu ôxy cho tôm; thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp khác. Nếu tỷ lệ nhiễm cao, cần đồng thời tiến hành các biện pháp điều trị cho từng bệnh cụ thể.

Kích thích tôm thẻ chân trắng lột xác đồng loạt, nhanh cứng vỏ

Trước khi nuôi thả tôm, cần cải tạo môi trường nước cho tốt, nuôi đúng thời vụ để quá trình lột xác của tôm diễn ra thuận lợi.

Kích thích vào các chu kỳ chuẩn bị lột vỏ chúng ta có các biện pháp như tăng cường kích thích nước và quạt, tạo oxy để tăng hàm lượng oxy trong ao nuôi. Mặt khác, thức ăn dư thừa, phân thải và thức ăn phân hủy góp phần khiến đáy ao nuôi bị ô nhiễm, xuất hiện nhiều loại khí độc như H2S, NO2, NH3 cũng khiến tôm chậm lột xác. Môi trường nuôi không tốt còn khiến tôm dễ mắc các bệnh như nấm, đóng rong, khiến quá trình lột xác diễn ra khó khăn.

Trong và sau khi lột xác, cơ thể tôm thường dễ bị tổn thương cơ học, dễ bị tấn công bởi đồng loại. Do đó cần có chế độ chăm sóc đặc biệt đối với đàn tôm trong giai đoạn này. Để giảm tỷ lệ tấn công nhau và tỷ lệ hao hụt, chúng ta cần bổ sung vào trong ao các loại giá thể để cho tôm tránh, trú khi lột vỏ, tốt nhất nên bó thành các bó rào.

Tuy nhiên, trong quá trình tôm lột xác người nuôi cũng cần theo dõi để phát hiện ra những dấu hiệu bất thường thường gặp như lột xác đồng loạt do tổn thương cơ thể, sinh vật bám ngoài vỏ, lượng thức ăn tăng dồn dập trong vài ngày dẫn đến hiện tượng lột xác liên tục khiến cho tôm phát triển không đồng đều.

Gặp những trường hợp này, cần thay một phần nước ao, dùng thuốc diệt khuẩn ngoại ký sinh đồng thời tiến hành xử lý nước bằng chế phẩm vi sinh, bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cho ao nuôi. Đối với một số trường hợp có thể kích thích tôm lột xác bằng Saponin, Rotenone với liều lượng 3 – 5 g/m3 nước; Hoặc sốc độ mặn, sốc nhiệt, thay nước mới cho ao nuôi cũng là biện pháp vừa cải thiện chất lượng nước vừa kích thích tôm lột xác.

Kỹ thuật tổng hợp kích thích tôm thẻ chân trắng lột xác

1. Oxy hòa tan

Trong quá trình lột xác, nhu cầu oxy của tôm cao gấp đôi nên khi thấy tôm có dấu hiệu chuẩn bị lột xác cần tăng cường quạt nước, sục khí để bổ sung hàm lượng oxy hòa tan. Duy trì hàm lượng oxy hòa tan trong khoảng 4 – 6 mg/l trong suốt quá trình lột xác của tôm.

2. Độ mặn

Những ao nuôi tôm có độ mặn càng cao thì hàm lượng khoáng hòa tan có sẵn trong ao càng cao và ngược lại. Vì vậy, đối với những ao nuôi tôm có độ mặn thấp thì phải tăng cường việc bổ sung khoáng cho tôm. Tuy nhiên, nếu độ mặn tăng cao hơn 25‰, vỏ tôm thường dày và cứng, kéo dài thời gian lột xác của tôm. Vì vậy, cần nuôi tôm theo đúng thời vụ và vùng quy hoạch theo khuyến cáo.

3. pH

Tôm lột xác khi pH đạt 7 – 8,5 và tốt nhất 7,5 – 8. Để ổn định pH cần duy trì độ trong của nước ao nuôi từ 30 – 40 cm. Nếu pH < 7,5 cần bón vôi (CaCO3, Dolomite) với liều 10 – 20 kg/1.000 m3 nước; pH > 8,5 thì sử dụng mật đường 3 kg/1.000 m3 kết hợp sử dụng vi sinh theo hướng dẫn nhà sản xuất tạt xuống ao nuôi.

4. Độ kiềm

Trong quá trình sinh trưởng, tôm cần rất nhiều khoáng nên cần duy trì độ kiềm từ 120 mg CaCO3/l trở lên bằng cách sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomite và bổ sung khoáng 3 – 5 ngày/lần vào ban đêm giúp tôm nhanh cứng vỏ và lột xác đồng loạt.

Khi lột xác tôm còn rất yếu và dễ nhiễm bệnh, bà con cần bổ sung thêm khoáng chất và Vitamin C để tôm khỏe mạnh, đồng thời sử dụng thức ăn uy tín, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho tôm. Trong suốt vụ nuôi cần định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản để xử lý các yếu tố ô nhiễm ao nuôi và kiểm soát sự phát triển của tảo độc. Ngoài ra, khi phát hiện tôm nuôi bị nhiễm nấm, đóng rong,… phải can thiệp điều trị kịp thời để tôm hồi phục và lột xác. Nngười nuôi có thể sử dụng thêm một số loại thảo mộc như: rau sam, dâu tằm,… để kích thích tôm lột xác, tăng năng suất an toàn.

Trên đây là bài viết tổng hợp thông tin về chu kỳ lột xác của tôm thẻ chân trắng. Hi vọng những thông tin này có thể giúp cho bà con trong việc theo dõi, kiểm soát sự phát triển, tăng trưởng của tôm. Tạo tiền đề cho mùa vụ năng suất. Xin cảm ơn!

5/5 - (1 bình chọn)
.
.
.
.
Liên hệ