Thống kê cho thấy ngay nửa đầu tháng 8 năm nay, xuất khẩu mặt hàng này sang EU đạt 29,4 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU về 0% từ mức 12%-20% như trước đó.
VASEP dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục tăng dù tốc độ chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch Covid-19. Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh (Ấn Độ, Thái Lan) nên nhà nhập khẩu của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn. Các mặt hàng chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình vẫn được ưa chuộng.
Tuy nhiên, hầu hết hệ thống phân phối sản phẩm tôm cao cấp tại EU đều yêu cầu ASC (Tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm) nhưng hiện ở Việt Nam mới đạt chứng nhận này khoảng 6%/tổng diện tích nuôi tôm.
“Nguyên nhân là do tôm nuôi của nước ta đa phần nhỏ lẻ, các hộ nuôi không kham nổi chi phí chứng nhận, chỉ có trang trại nuôi lớn mới đáp ứng được. Do đó, để đón đầu được cái ưu đãi mà EVFTA mang lại, nhà nước cần có những biện pháp khuyến khích, ưu tiên nhằm đẩy mạnh diện tích nuôi tôm đạt tiêu chuẩn này” – VASEP đề xuất.