Hình thành các vùng nuôi tôm công nghệ cao tại Vũng Tàu

Diện tích nuôi tôm công nghệ cao đang tăng lên ở Bà Rịa – Vũng Tàu, qua đó hình thành các vùng áp dụng công nghệ cao với diện tích lớn.

nuôi tôm công nghệ cao
Một phần của vùng áp dụng công nghệ cao, xã Lộc An

HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (thành phố Bà Rịa) là một trong những đơn vị đi tiên phong về công nghệ cao ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trước những rủi ro ngày càng nhiều với nuôi tôm theo kiểu cũ, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng đã quyết định tìm hiểu những quy trình nuôi hiện đại và tiếp cận với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn, khép kín trong nhà màng (RAS).

Mô hình lọc nước tuần hoàn này đã được áp dụng trong nuôi tôm ở nhiều quốc gia và chứng minh được hiệu quả cao về kiểm soát môi trường, dịch bệnh.

Năm 2019, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng quyết định đầu tư 5 tỷ đồng đầu tư hệ thống tuần hoàn khép kín trong nhà màng cùng hệ thống bể nuôi (bể nổi tròn bằng khung sắt lót bạt) thay cho ao đất, trên diện tích 2.000m2.

Với hệ thống này, nước được đưa vào các ao, xử lý hóa chất, qua các màng lưới lắng từ từ để loại bỏ các chất hữu cơ lơ lửng và kim loại nặng, sau đó được diệt khuẩn hoàn toàn trước khi cấp vào các ao nuôi.

Nguồn nước thải ra từ các ao nuôi lại được đi qua các ao lắng, hồ lọc để xử lý. Sau khi đạt các chỉ số an toàn về môi trường nuôi tôm, nước được đưa trở lại ao nuôi để tái sử dụng.

Nhờ nguồn nước được kiểm soát chặt chẽ, nhiệt độ ổn định, tỷ lệ hao hụt tôm cũng như nguy cơ dịch bệnh đã được giảm thiểu xuống thấp, giúp cho năng suất cao hơn hẳn so với phương pháp nuôi cũ. Vì vậy, ngay trong vụ đầu tiên, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng đã mạnh dạn nuôi thử nghiệm với mật độ cao 500-600 con/m3 (gấp 20 lần so với nuôi trong ao đất). Kết quả là thu được 23 tấn tôm, doanh thu 3,5 tỷ đồng.

Hiện nay, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng đang nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích 2ha. Nhờ áp dụng công nghệ cao, HTX đã tăng được số vụ nuôi trong năm từ 1 lên 3 vụ tấn/ha/vụ. Sản lượng tôm thu được bình quân 50-60 tấn/vụ.

Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX cho biết, nuôi tôm công nghệ cao, không chỉ giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp, nâng cao năng suất mà tôm còn đạt chất lượng cao vì hầu như không phải sử dụng kháng sinh để phòng trị bệnh.

CPF-Combine 3 giai đoạn cũng đang là một trong những mô hình nuôi tôm áp dụng phương pháp công nghệ cao được nhiều nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu quan tâm, áp dụng vào sản xuất. Ông Nguyễn Hồng Thuấn, đại diện C.P. Việt Nam cho biết, có rất nhiều diện tích nuôi tôm công nghệ cao ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang áp dụng mô hình CPF-Combine 3 giai đoạn, trong đó có những trang trại có diện tích rất lớn. Hầu hết các mô hình đều đem lại hiệu quả cao cho người nuôi tôm.

Một trang trại áp dụng mô hình công nghệ cao ở huyện Long Điền

Theo Sở NN-PTNT Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện trên địa bàn tỉnh này có 19 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm (chủ yếu là nuôi tôm) và sản xuất giống thủy sản (chủ yếu là tôm giống) ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 409,7 ha, tăng 11,5 ha so năm 2021.

Như vậy, diện tích nuôi và sản xuất giống thủy sản công nghệ cao (chủ yếu là tôm) hiện đã chiếm gần 10% tổng diện tích nuôi thủy sản của Bà Rịa – Vũng Tàu (5.913ha).

Các công nghệ đang được áp dụng vào việc nuôi tôm ở Bà Rịa – Vũng Tàu gồm: công nghệ nuôi tôm sinh học siêu thâm canh, tuần hoàn nước, sử dụng hệ thống máy lọc nước hiện đại, ứng dụng kỹ thuật kiểm soát, quản lý nuôi của Israel, quy trình 3 sạch, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ 250-500 con/m2, nuôi 3-5 vụ/năm …

Những doanh nghiệp điển hình trong phát triển, ứng dụng công nghệ cao để nuôi tôm ở Bà Rịa – Vũng Tàu là Chi nhánh Công ty Cổ phần Chăn Nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Minh Phú, Công ty Cổ phần Thủy sản Phước Hải, Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Mạnh Cường, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, Farm Liên Giang, Farm Thái Hà, Công ty TNHH Ngọc Tùng…

Sự phát triển của các mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong thời gian qua đã hình thành các vùng quy hoạch sản xuất nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ở huyện Xuyên Mộc đã hình thành vùng nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 17 ha tại xã Phước Thuận. Tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, đã hình thành vùng sản xuất tôm giống công nghệ cao với diện tích 54ha.

Cũng trên địa bàn huyện Đất Đỏ, đã hình thành vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng,… công nghệ cao với diện tích khoảng 380ha tại xã Lộc An.

Đặc biệt, vùng nuôi tôm công nghệ cao ở Lộc An, do Tập đoàn Thủy sản Minh Phú và Công ty TNHH Ngọc Tùng đầu tư xây dựng, đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Quyết định số 1310/QĐ-UBND ngày 24/5/2019 công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nguồn: Theo báo nongnghiep.vn

5/5 - (1 bình chọn)
.
.
.
.
Liên hệ